Ý nghĩa huyền thoại Chử Đồng Tử

Charles Paine
7 min readJan 20, 2023

Xuân năm mèo 2023 kể chuyện về một vị Thánh Bất Tử tuổi mèo.

Tại sao Chử Đồng Tử trở thành một trong Tứ Bất Tử của dân tộc Việt?

Nếu các bạn có dịp về thăm đền Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm các bạn sẽ được tham dự hội làng, một truyền thống có hơn nghìn năm tuổi để tưởng nhớ tình yêu của một vị Thánh Chử Đồng Tử tuổi mèo dành cho nàng công chúa Tiên Dung tuổi rồng, để được nghe người giữ đền ôn lại chuyện thời xưa.

Lễ hội Chử Đồng Tử

Sẽ là khó thuyết phục nếu chỉ nhận được một thông tin về câu chuyện về chàng trai nghèo ở truồng tắm sông đúng vào chổ công chúa Tiên Dung tắm rồi thành phò mã. Kể cả câu chuyện Chử Đồng Tử hiển linh giúp cho Dạ Trạch Vương đánh giặc cũng không đủ thuyết phục để ông cha ta phong Ngài là một vị thánh bất tử của dân tộc. Tôi lục tìm các sử ký và có 6 điều đáng ghi nhận như sau cho các thế hệ sau.

  1. Chử Đồng Tử là người có công trong việc truyền bá đạo Phật nguyên thủy từ Ấn Độ. Dòng truyền đạo của Phật Nam tông từ Ấn sang Việt rồi mới truyền lên phía Bắc là bằng chứng dân Việt có nền văn hóa phát triển, nền kinh tế giao thương rộng khắp, và đã kết nối với Ấn Độ và La Mã từ trước thế kỷ 3 TCN (1), rất lâu trước khi có nhà Tần, nhà Hán. Bản đồ thế giới đầu tiên, được Ptolemy hoàn thành dâng cho Alexadre đại đế, có điểm xa nhất về phía đông là thành phố cảng Kattigara, thuộc đồng bằng Bắc bộ. Trong kế hoạch hải trình của chuyến đi nổi tiếng của Columbus, người phát hiện ra Châu Mỹ, Kattigara là một điểm dừng trên hành trình ông đi tìm đường tới Ấn Độ.
  2. Chính Phật giáo Nam tông là vũ khí rất hiệu quả mà các nhà chính trị Việt Nam xưa, có lẽ được dùng từ thời Triệu Việt Vương ở thế kỷ thứ 6, dùng để chặn đứng chiến lược xâm lăng và cai trị bằng văn hóa các triều đại phương Bắc vì nước ta đã bị xóa chữ viết từ thời Triệu Đà, theo chính sách của Tần Thủy Hoàng. Các nhà chính trị thời Đường đã rất thành công khi họ cải biên Phật giáo nguyên thủy, nhờ nổ lực rất lớn của nhà sư Trần Huyền Trang, kết hợp với Đạo giáo và Khổng giáo, để tạo ra được một mô hình hiệu quả, gọi là Tam giáo đồng nguyên. Các vị thần truyền thống của Đạo giáo như Từ Hàng, Phổ Hiền, Văn Thù đều được biến chuyển một cách ngoạn mục thành các vị bồ tát của đạo Phật và thừa hưởng số lượng lớn các tín đồ và nơi thờ cúng.
  3. Hai đại tác phẩm văn học cực hay là Phong Thần, và Tây Du Ký đều là những chuyện được truyền miệng từ thời Đường, tới thời Minh thì được các tác giả viết lại cho có hệ thống. Đấy vẫn là hai vũ khí văn hóa, dưới dạng trường phái Phật giáo Bắc tông, tối quan trọng của để thống nhất và cai trị, bành trướng và duy trì ảnh hưởng văn hóa của các triều đại từ thời Đường cho tới ngày nay. Bao nhiêu thế hệ qua, rất ít trẻ em của vùng Đông Á, và Đông Nam Á không bị cuốn hút bởi nghệ thuật tuyệt vời quá nhiều thông tin văn hóa truyền thống đến như vậy. Đình chùa Việt cổ là những đối chứng quan trọng, ví dụ Chùa Dâu, nơi có dấu ấn của A Dục Vương của Ấn Độ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, chắc chắn ông được Chử Đồng Tử, phò mã Hùng Vương đời cuối, trước đời An Dương Vương, mời sang thăm thành Kattigara thịnh vượng.
  4. Dựa vào Phật giáo Nam tông, mà Chử Đồng Tử là một trong những người đầu tiên tu tập và khuyến khích phát triển, các sự kiện lịch sử văn hóa của người Việt đã được lưu lại nhiều nhờ vào các hệ thống ghi chép ở các đền chùa cổ rộng khắp ở nơi, từ phố thị tới làng quê, từ núi cao rừng sâu tới hải đảo xa xôi. Dù chúng ta vẫn yêu Phong Thần và Tây Du Ký và nhiều khi không nhận ra bị ảnh hưởng và nhiều tập tục đang bị méo mó, nhưng hệ thống miễn dịch cộng đồng này vẫn làm tốt chức năng phòng thủ qua suốt mấy ngàn năm.
  5. Chính nhờ hệ thống tín ngưỡng này được thiết lập từ thời Chử Đồng Tử, nhiều thế kỷ trước khi Triệu Đà sang chiếm đóng và tàn phá, văn hóa bản địa của người Việt đã không bị đồng hóa mà luôn tìm có cách tồn tại mạnh mẽ, và tộc Việt nhờ đó thường được hưởng cảnh thanh bình trong thôn làng khép kín với tiếng chuông chùa rộn rã, trong khi các tộc người phương Bắc trong hơn 800 năm, từ sau khi Hán triều sụp đổ, chiến cuộc tam quốc, rồi thời nam bắc, rồi thời Tùy Đường, v.v. đều là các cuộc chiến đẫm máu hết sức man rợ. Chiến tranh thì không thể có thời gian sáng tạo văn hóa, chỉ có thể sáng tạo vũ khí mà thôi.
  6. Chính nhờ hệ thống tín ngưỡng này, các nhà chính trị và văn hóa Việt từ sau thời Triệu Quang Phục đã phát huy và sáng tạo nhiều lớp phòng thủ tinh tế hơn, ví dụ như thêm các nhân vật Quan Âm Thị Kính, Thánh Mẫu Liễu Hạnh rồi hình thành và phát triển thêm hệ tín ngưỡng mới là Đạo Mẫu. Có lẽ vì thế mà Tứ Bất Tử, bao gồm Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Chúa Liễu Hạnh, chính là chìa khóa cho loại vũ khí thượng thừa mà cha ông ta đã dầy công mã hóa và truyền lại cho đời đời con cháu mai sau, giúp văn hóa Việt không bao giờ có khái niệm bị đồng hóa và lụi tàn.

Tới đây, bạn đọc chắc đã đồng ý tại sao Chử Đồng Tử được tôn thờ là một vị Thánh Bất Tử của dân tộc Việt. Ông trở thành Thánh không phải vì ở truồng tắm sông cưới công chúa, mà là vì là một trong những người Việt đầu tiên đi tu theo phật giáo nguyên thủy, và có công lớn trong việc hoằng pháp và xiển dương kinh tạng (các từ cổ này tối nghĩa, tôi cố tình tạm dùng để nhấn mạnh ý đoạn tiếp theo).

Sự sao chép và chế lại thành đồ của mình là truyền thống của dân du mục thời xưa phương Bắc, họ không có thời gian hòa bình đủ lâu dài để có thể sáng tạo từ gốc (original thinkers). Kể cả câu chuyện bát quái ngũ hành và con giáp của âm lịch rõ ràng là sách tạo của văn hóa phía nam sông Dương Tử. Sách xưa nào cũng ghi rõ, Nghiêu Thuấn được người Việt phương Nam tặng lý số và lịch ghi trên mai rùa (2). Người Việt gọi là năm mèo mà người thời Thuấn Chu nghe hiểu thành “mao” âm tương tự là “con thỏ”, con trâu Việt “yue niu” nghe hiểu thành con bò “ye niu” của người Ân Thương thời ấy thì cũng không có gì lạ. Cách diễn dịch hiểu và sử dụng bát quái ngũ hành cũng có những lỗi ngữ nghĩa tương tự.

Dạo gần sau này có người tìm cách phong vương nước Việt cho Triệu Đà thì cũng đáng trách, Triệu Đà theo chính sách của Tần Thủy Hoàng, đốt sạch và hủy hoại toàn bộ chữ giáp cốt và các sáng tạo từ thời Hồng Bàng, thời Hùng Vương, và tiền Tần của dân ta. Các trí thức xin hãy thận trọng khi dùng điển tích thời Đông Chu, Xuân Thu, Tam Quốc, Tùy Đường , Tống, Nguyên, Minh để lấy làm thước đo mà bình phẩm, mà quên tìm cách phát huy các giá trị song song trong các câu chuyện từ thời Hùng Vương, hai bà Trưng, bà Triệu, Triệu Quang Phục, Lý Bí, rồi Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các đình, miếu, chùa, điện thờ, và các hoạt động văn hóa, viết thư pháp trên đất Việt nên dùng tiếng Việt hiện đại. Nếu thật sự muốn hoài cổ thì nên sử dụng ký tự chữ Nôm, thay cho Hán tự ngoại lai. Trừ trường hợp thật cần thiết, các học giả xin đừng phô diễn vốn liếng Trung ngữ hay Hán Việt của mình, hãy nhìn lại và đọc to lên, vì nó rất phản cảm và không thuần âm sắc Việt, mà hãy dùng Việt ngữ một cách thành thục và sáng tạo.

Chúc bạn đọc một năm mới Quý Mão 2023 an bình hạnh phúc!

(1) https://phatgiao.org.vn/chu-dong-tu--phat-tu-dau-tien-cua-viet-nam-d32740.html

(2) https://chuaxaloi.vn/tin-tuc/van-de-chu-khoa-dau/921.html

--

--